Hầu như tất cả mọi người đều đã từng trải qua tình trạng ngứa mắt, và có thể kéo theo tình trạng ngứa ở mí mắt, đặc biệt là ở chân lông mi – và mắt đỏ hoặc sưng ở mí mắt. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu về tình trạng mắt ngứa và cách để điều trị.
1/ Nguyên nhân gây ngứa mắt
- Đa phần, nguyên nhân gây ngứa mắt là do một số loại dị ứng. Một chất kích thích (được gọi là chất gây dị ứng) – ví dụ như phấn hoa, bụi hay lông động vật – làm giải phóng các hợp chất được gọi là Histamines trong các mô xung quanh mắt, dẫn đến ngứa, tấy đỏ và sưng.
Dị ứng mắt có nhiều trạng thái tần suất khác nhau, có thể xảy ra theo mùa hoặc lâu năm.
- Ngứa mắt do dị ứng theo mùa được gọi là viêm kết mạc dị ứng. Bệnh này thường gặp nhất vào mùa xuân và mùa thu, là do vào các mùa này số lượng phấn hoa cao – thêm nữa đây là các mùa mát mẻ, mọi người vui chơi ngoài trời nhiều nên dễ tiếp xúc với các chất gây dị ứng ngoài trời hơn.
- Dị ứng lâu năm có thể gây tình trạng ngứa mắt trong suốt cả năm ngoài các nguyên nhân giống như ở viêm kết mạc dị ứng, dị ứng lâu năm còn được gây ra bởi những nguyên nhân như nấm mốc và bụi.
Ngứa mắt gây sưng đỏ
- Ngoài ra trong một số trường hợp, bạn bị dị ứng với chính các sản phẩm bạn đang sử dụng, từ đó gây ngứa mắt. Ví dụ, một số người dị ứng với kính áp tròng, các sản phẩm khác có thành phần có thể gây dị ứng mắt như: nước mắt nhân tạo dùng để điều trị khô mắt; các hóa chất – dụng cụ – mỹ phẩm trang điểm. Trường hợp bạn đeo kính áp tròng, nếu bạn không thường xuyên vệ sinh chúng hoặc bạn đeo quá lâu mà không thay thế bằng kính áp tròng mới – cũng sẽ gây dị ứng và ngứa mắt. Nếu bạn dị ứng do sử dụng các hóa chất – dụng cụ – mỹ phẩm thì nên dừng sử dụng chúng.
- Nhưng dị ứng không phải là nguyên nhân duy nhất gây ngứa mắt. Nếu ngoài ngứa, bạn có cảm giác nóng rát ở mắt thì nguyên nhân có thể là hội chứng khô mắt hoặc rối loạn chức năng tuyến Meibomian. Cùng với đó, nếu mí mắt của bạn bị sưng đỏ và bị viêm, có thể bạn đang gặp tình trạng viêm bờ mi, do vi khuẩn gây ra.
- Các nguyên nhân gây ngứa mắt rất đa dạng, nếu các triệu chứng và tình trạng ngứa mắt kéo dài, trở nên nặng hơn, hoặc không giảm dần khi mùa dị ứng đi qua, bạn cần đến bệnh viện để được các bác sĩ khám và kê đơn thuốc.
2/ Điều trị tình trạng ngứa mắt
- Các triệu chứng ngứa đôi khi có thể được giảm bớt bằng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc nhỏ mắt điều trị dị ứng. Tuy nhiên thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống được kê đơn bởi bác sĩ sẽ thực sự cần thiết trong trường hợp mắt bị sưng đỏ. Một số loại thuốc cũng có thể giúp bạn giảm thiểu được tình trạng mắt ngứa hơn trong tương lai nếu bạn đang bị tình trạng viêm kết mạc dị ứng. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng phương pháp chườm khăn lạnh để giảm thiểu được tình trạng ngứa mắt trong thời gian tạm thời.
Đắp khăn lạnh tạm thời giúp giảm ngứa mắt
- Vì ngứa mắt bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nên khi bạn gặp tình trạng ngứa mắt thì cần phải đến bệnh viện khám, bởi chỉ bác sĩ mới biết được liệu pháp điều trị nào là phù hợp nhất với tình trạng mắt của bạn. Phương pháp điều trị ngứa mắt hiệu quả nhất là trực tiếp giải quyết nguyên nhân gây ngứa mắt.
- Trong một số trường hợp, mắt ngứa có thể được chữa khỏi bằng nước mắt nhân tạo hoặc thuốc giảm dị ứng. Nếu nguyên nhân gây ngứa mắt là do tình trạng khô mắt, thì việc điều trị phải đồng thời cần dùng cả thuốc giúp giảm ngứa mắt và các phương pháp giúp điều trị khô mắt. Nhưng ở những trường hợp khác, có thể cần uống thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm hoặc các liệu pháp vệ sinh bờ mi.
- Và điều đặc biệt lưu ý là bạn không nên dụi mắt những khi thấy ngứa. Việc dụi mắt sẽ giải phóng nhiều Histamine hơn làm cho tình trạng ngứa tăng nặng hơn. Việc dụi mắt quá mạnh cũng có thể sẽ gây tình trạng xước giác mạc, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng mắt.